Nhìn lại một năm ngành Y tế TP.HCM
Ngành Y tế TP.HCM: Nhìn lại một năm nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng không ít hoạt động nổi bật hướng đến chăm sóc sức khoẻ người dân tốt hơn
Nếu như năm 2021 là năm mà toàn hệ thống y tế được huy động tổng lực cho “cuộc chiến” với đại dịch COVID-19 chưa từng có trong lịch sử, thì bước sang năm 2022. Ngành Y tế Thành phố lại phải tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn do đại dịch đã để lại nhiều hệ quả khác nhau. Đó là sự biến động bất lợi về nguồn nhân lực y tế tại y tế cơ sở và các bệnh viện công lập, đó là nguồn thu của các bệnh viện tự chủ bị giảm sút ảnh hưởng đến cân đối thu chi, đó là tâm lý e ngại, sợ sai trong công tác đấu thầu làm ảnh hưởng ít nhiều đến công tác cung ứng thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…
Và vẫn còn đó những cơ sở hạ tầng của một số bệnh viện thành phố xuống cấp nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới. Cũng chính từ bối cảnh này, cùng với sự nỗ lực của từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Ngành Y tế luôn được lãnh đạo Thành phố quan tâm, chỉ đạo sâu sát và tạo điều kiện thuận lợi đã giúp hệ thống y tế Thành phố tiếp tục đứng vững và tiếp tục triển khai nhiều hoạt động nổi bật hướng đến mục tiêu chăm sóc sức khoẻ người dân ngày một tốt hơn.
Dưới đây là 10 hoạt động nổi bật của Ngành Y tế TP. HCM năm 2022:
1. Phục hồi hệ thống y tế Thành phố sau thời gian dài ứng phó với đại dịch Covid-19
Trong thời gian cao điểm chống dịch COVID-19 (từ tháng 5 đến tháng 12/2021), Ngành Y tế đã huy động tổng lực để tập trung chống dịch, thành lập khẩn cấp 32 bệnh viện dã chiến (42.798 giường) và huy động 64 bệnh viện công lập và tư nhân trên địa bàn thành phố chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn phần trở thành bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 (17.062 giường).
Ngay sau khi kiểm soát được tình hình dịch bệnh (từ 1/10/2021 đến nay), bên cạnh việc cùng với lãnh đạo Thành phố tổ chức các hoạt động tri ân các lực lượng y, bác sĩ tình nguyện trên cả nước đến hỗ trợ Thành phố chống dịch, Ngành Y tế đã nhanh chóng phục hồi các bệnh viện trở lại chức năng bình thường trước đó và giải thể các bệnh viện dã chiến.
Bên cạnh nỗ lực không mệt mỏi của lực lượng nhân viên y tế, Hội đồng nhân dân Thành phố đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND giúp củng cố nguồn nhân lực cho y tế cơ sở và Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND giúp ổn định thu nhập cho nhân viên y tế, an tâm công tác.
2. Chủ động ứng phó hiệu quả với các dịch bệnh, không để xảy ra dịch chồng dịch trên địa bàn thành phố
Bước sang năm 2022, khi cả hệ thống y tế Thành phố vừa kiểm soát được đợt bùng phát mới của đại dịch COVID-19 do sự xuất hiện của biến chủng Omicron thì dịch bệnh sốt xuất huyết lại xuất hiện sớm hơn với số ca mắc và tử vong tăng cao so với mọi năm. Với nỗ lực và quyết tâm cao của cả hệ thống y tế, dịch bệnh sốt xuất huyết đã được kiểm soát và đang lui dần, số trường hợp mắc, trường hợp nặng và tử vong đã được kéo giảm rõ và những tháng cuối năm 2022.
Và không thể không nhắc đến sự xuất hiện của dịch bệnh mới nổi khác đó là đậu mùa khỉ, ngay sau khi Bộ Y tế cảnh báo đậu mùa khỉ có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) đã triển khai ngay các giải pháp kiểm soát đã chủ động phát hiện 02 trường hợp mắc bệnh ở nước ngoài (vào tháng 10/2022), ngay khi về đến sân bay Tân Sơn Nhất đã được cách ly điều trị kịp thời, không để lây lan ra cộng đồng.
3. Khởi động chương trình quản lý bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng với sự hỗ trợ kỹ thuật của tổ chức y tế thế giới
Chương trình sức khoẻ có tên là “Gói can thiệp thiết yếu đối với các bệnh không lây nhiễm của Tổ chức y tế Thế giới” (gọi tắt là WHO PEN). Để triển khai chương trình này, Ngành Y tế đã chủ động liên hệ và đã nhận được sự đồng ý hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Y tế Thế giới. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố là cơ quan chịu trách nhiệm chính để điều phối, giám sát, theo dõi, lượng giá kết quả chương trình, nhân viên y tế của trạm y tế phường, xã cùng với mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng là lực lượng chính để triển khai các hoạt động tầm soát, chăm sóc các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, Ngành Y tế Thành phố còn triển khai thêm hoạt động phát hiện và chăm sóc người mắc bệnh tâm thần, nhất là bệnh trầm cảm – đang có khuynh hướng gia tăng tỷ lệ mắc sau đại dịch COVID-19. Xác định yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công khi triển khai chăm sóc các bệnh không lây nhiễm là đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các trạm y tế.
4. Sau giai đoạn Covid – 19, chính thức đưa loại hình dịch vụ “Cấp cứu trầm cảm” đi vào cuộc sống
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm đầu tiên của đại dịch COVID-19, tỷ lệ người dân mắc chứng lo âu và nặng hơn là bị trầm cảm trên toàn cầu đã tăng lên 25%. “Cấp cứu trầm cảm” là hoạt động mới của Trung tâm Cấp cứu 115 không ngoài mục đích nhằm kịp thời tiếp cận người bệnh có biểu hiện trầm cảm nặng để đưa người bệnh đến cơ sở điều trị chuyên khoa. Bên cạnh đường dây cấp cứu “115” quen thuộc, Ngành Y tế còn triển khai thêm đường dây nóng “1900 1267”, số điện thoại này sẽ giúp người dân kết nối nhanh chóng với các chuyên gia Tâm thần của Thành phố.
Sau hơn 4 tháng triển khai, “Cấp cứu trầm cảm” đã tiếp nhận 94 cuộc gọi yêu cầu hỗ trợ tư vấn và cấp cứu tâm thần, đã có 40 trường hợp được Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp cận và đưa đến bệnh viện Tâm thần điều trị. “Cấp cứu trầm cảm” được xem là hoạt động khởi đầu trong chuỗi hoạt động chăm sóc sức khoẻ tâm thần cho người dân Thành phố liên quan đến COVID-19 theo đúng Kế hoạch 3066/KH-UBND ngày 15/9/2021 của Ủy ban nhân dân Thành phố về phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
5. Thí điểm thành công đưa bác sĩ trẻ mới tốt nghiệp thực hành tại các bệnh viện gắn liền với thực hành tại trạm y tế
Từ tháng 2/2022, được sự đồng ý của lãnh đạo Thành phố, Ngành Y tế TPHCM bắt đầu triển khai thí điểm chương trình thực hành lâm sàng tại bệnh viện đa khoa và chuyên khoa của Thành phố gắn liền với thực hành tại trạm y tế dành cho các bác sĩ mới tốt nghiệp để cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ đa khoa.
Có 286 bác sĩ đang được đào tạo theo chương trình này, trung bình mỗi trạm y tế sẽ được phân bổ một bác sĩ trẻ đến tham gia thực hành công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu tại trạm. Nối tiếp năm 2022, Sở Y tế vừa tiếp nhận thêm 212 bác sĩ mới tốt nghiệp đăng ký khoá đào tạo thực hành thứ hai (bao gồm 168 bác sĩ từ trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, 43 bác sĩ từ ĐH Y Dược TP.HCM, 1 bác sĩ từ Học viện Quân Y). Như vậy, sẽ có thêm 212 bác sĩ về thực hành tại các trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố (tổng cộng có 480 bác sĩ trẻ thực hành tại trạm y tế trong thời gian từ nay đến tháng 8/2023). Theo đúng kế hoạch đào tạo, các bác sĩ tham gia chương trình này sẽ thực hành xen kẽ tại trạm y tế và tại các bệnh viện đa khoa của Thành phố.
6. Đưa Xquang phổi có tích hợp trí tuệ nhân tạo về xã Đảo Thạnh An
Hưởng ứng kế hoạch nâng cao năng lực y tế cho xã đảo Thạnh An của Sở Y tế, các bác sĩ trẻ tiêu biểu – là đoàn viên Đoàn Thanh niên Ngành Y tế TP.HCM, đã tình nguyện luân phiên đi hỗ trợ cho trạm y tế xã đảo. Lần đầu tiên trên cả nước, cùng với việc đưa các bác sĩ trẻ tình nguyện ra xã đảo, Ngành Y tế Thành phố đã đưa máy X-Quang kỹ thuật số có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) đến với trạm y tế xã Thạnh An.
Nhờ ứng dụng AI được tích hợp trên máy X-quang kỹ thuật số, các bác sĩ trẻ sẽ dễ dàng đọc được đầy đủ các thương tổn có trên X- quang phổi, và nhờ máy X-quang đã được kết nối hệ thống PACs, khi cần hội chẩn và xin ý kiến các bác sĩ chuyên khoa về chẩn đoán các bệnh có liên quan các tổn thương trên X-quang phổi.
Với các hoạt động và sản phẩm công nghệ sáng tạo này, chỉ chưa tới 15 phút các bác sĩ trẻ tình nguyện đã có một chẩn đoán chính xác và kế hoạch điều trị rõ ràng cho người bệnh. Nối tiếp những hoạt động này, Ngành Y tế sẽ triển khai khám sức khoẻ và lập hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân xã đảo Thạnh An, qua đó sàng lọc và phát hiện người mắc các bệnh mạn tính không lây nhiễm như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
7. Triển khai thành công nhiều kỹ thuật chẩn đoán và kỹ thuật chuyên sâu tại các bệnh viện tuyến cuối của thành phố
Mặc dù vừa trải qua thời gian dài phòng, chống dịch COVID-19, trong năm 2022, các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến cuối của Thành phố vẫn tiếp tục nỗ lực phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu nhằm không ngừng nâng cao chất lượng điều trị, hướng tới xây dựng một Trung tâm y tế chuyên sâu ngang tầm khu vực, theo định hướng phát triển của lãnh đạo Thành phố.
Đó là ca ghép thận thành công của bệnh viện Nhi Đồng 2 cho bé trai 15 tuổi bị suy thận mạn phải chạy thận thường xuyên mỗi tuần, đây là trường hợp đầu tiên được ghép thận cho trẻ em từ người hiến chết não không cùng huyết thống đã giúp trẻ được hồi sinh và có cuộc sống sinh hoạt và học tập bình thường như bao trẻ khoẻ mạnh khác.
Đó là sự phối hợp nhịp nhàng giữa Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố với bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Tổ chức Oucru (Đại học Oxford) trong triển khai kỹ thuật giải trình tự gen giúp phát hiện và ngăn chặn kịp thời sự lây lan của các dịch bệnh mới nổi.
Đó là các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị mới được triển khai tại các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa của Thành phố.
8. Đối thoại và lắng nghe ý kiến của người dân về cung ứng dịch vụ công và đổi mới sáng tạo quy trình tiếp nhận hồ sơ dịch vụ công trực tuyến
Kể từ năm 2022, định kỳ hàng tuần, Sở Y tế chính thức triển khai chương trình đối thoại và lắng nghe ý kiến của người dân về cung ứng dịch vụ hành chính công của cơ quan Sở Y tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và có thể cùng lắng nghe được nhiều ý kiến, Sở Y tế tổ chức gặp gỡ qua hình thức trực tuyến với người dân. Ngay sau những buổi gặp gỡ, lãnh đạo Sở Y tế và các phòng chức năng cùng thảo luận, trao đổi và tìm ra giải pháp khả thi nhất để cải tiến quy trình dịch vụ công trực tuyến.
Bên cạnh đó, năm 2022 cũng là năm đầu tiên mà Sở Y tế tổ chức chương trình đối thoại và lắng nghe nhân viên y tế hiện đang công tác tại các đơn vị trực thuộc, nhất là các đơn vị đang gặp nhiều khó khăn. Với chương trình này, những ý kiến, tâm tư và nguyện vọng của nhân viên y tế đối với các đơn vị công lập nơi đang công tác đã được chuyển tải trực tiếp đến lãnh đạo Sở Y tế. Qua đó, lãnh đạo Sở y tế đã trao đổi với lãnh đạo các đơn vị có liên quan để chủ động có kế hoạch cải tiến môi trường, điều kiện làm việc nhằm tăng sự hài lòng và an tâm công tác cho nhân viên.
9. Thêm nhiều công trình mới nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ người dân thành phố và các tỉnh trong khu vực
Năm 2022, mặc dù vẫn còn bị tác động của đại dịch COVID-19, Ngành Y tế Thành phố vẫn có thêm nhiều công trình mới được đưa vào sử dụng góp phần cải thiện chất lượng phục vụ người dân Thành phố và người dân các tỉnh khu vực phía Nam. Đó là cơ sở mới, hiện đại của bệnh viện Truyền máu & Huyết học tại xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh với quy mô 300 giường, đó là Trung tâm chuyên sâu phẫu thuật và can thiệp tim mạch trẻ em của Bệnh viện Nhi Đồng 1, đó là cơ sở mới của bệnh viện Ung Bướu sau khi đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử chuyển đổi công năng trở thành Trung tâm Hồi sức COVID-19, cơ sở mới này đã được chuyển đổi trở lại với chức năng chuyên ngành ung thư, các khoa phòng của bệnh viện Ung Bướu cơ sở cũ đang khẩn trương chuyển sang cơ sở mới này.
10. Tổ chức thành công Hội thi “trưởng trạm y tế giỏi lần thứ nhất” và khởi động bình chọn Giải thưởng thành tựu y khoa lần thứ 3 với chuyên đề các sản phẩm phục vụ sức khoẻ cộng đồng
Năm 2022 là năm đầu tiên Ngành y tế Thành phố tổ chức Hội thi “Trưởng trạm y tế giỏi” cấp Thành phố nhằm tạo sân chơi bổ ích cho cán bộ y tế đang đảm trách công tác quản lý trạm y tế và nhân viên y tế thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý y tế cơ sở. Hội thi đã thu hút 374 cán bộ y tế đang công tác tại 310 trạm y tế phường, xã trên địa bàn Thành phố tham gia, các câu hỏi thi tập trung vào các nhiệm vụ của Trạm y tế như: phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng, quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý các chương trình sức khỏe, khám chữa bệnh ban đầu… Điều đáng ghi nhận chính là Hội thi đã động viên tinh thần và thật sự trở thành sân chơi bổ ích, giao lưu, học hỏi lẫn nhau của lực lượng cán bộ y tế cơ sở.
Năm 2022 cũng là năm mà Ngành Y tế Thành phố đã chính thức phát động đợt bình chọn Giải thưởng thành tựu Y khoa Việt Nam lần thứ 3 – năm 2022 với chuyên đề là các sản phẩm phục vụ sức khoẻ cộng đồng. Sau 3 tháng phát động, Ban Tổ chức đã nhận được 26 đề tài đăng ký tham dự bình chọn đến từ 23 đơn vị, trung tâm y tế quận, huyện và các bệnh viện thuộc TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Nghệ An.
Nguồn: SỞ Y TẾ TP.HCM