Xây dựng hệ sinh thái y tế
Các công ty xây dựng mô hình hệ sinh thái ngày càng tăng trưởng và phát triển, trở thành xu thế tất yếu trong kinh doanh. Các startup y tế cũng không nằm ngoài xu thế đó, nhưng lĩnh vực y tế có tính đặc thù nên khởi nghiệp hệ sinh thái y tế cũng có nhiều khác biệt.
Xây dựng hệ sinh thái y tế
1. Hệ sinh thái kinh doanh là gì?
1.1 Khái niệm
“Các doanh nghiệp sáng tạo không thể phát triển trong môi trường chân không. Họ phải thu hút nhiều nguồn lực khác nhau: vốn, đối tác, nhà cung cấp và khách hàng để tạo ra mạng lưới hợp tác” – đó là nhận định của James F.Moore. Ông được xem là người tiên phong trong khái niệm “hệ sinh thái kinh doanh”. Đồng thời, ông đã đưa khái niệm này thành từ vựng của chiến lược kinh doanh.
Trong bài báo trên Harvard Bussiness Review năm 1993 với tựa đề “Những kẻ săn mồi và con mồi: Một nền sinh thái mới của sự cạnh tranh”, James F.Moore đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hệ sinh thái kinh doanh. Bài báo được đăng cách đây 26 năm nhưng quan điểm của ông vẫn đúng ít nhất trong chu kỳ 100 năm, hữu ích cho những nhà sáng lập, điều hành doanh nghiệp, những người khởi nghiệp ở hiện tại và cả trong tương lai.
1.2 Một số ví dụ về hệ sinh thái kinh doanh
Trên thế giới hiện có nhiều hệ sinh thái khổng lồ đang hoạt động.
1. Amazon kinh doanh trực tuyến lẫn trực tiếp, từ dịch vụ điện toán đám mây đến phân phối dược phẩm… thu hút cả nhà cung cấp lẫn người dùng tham gia vào hệ sinh thái của mình.
2. Apple không chỉ thu hút người dùng thiết bị mà cả giới lập trình cho iOS; hay chiếc đồng hồ Apple Watch tích hợp tính năng theo dõi sức khỏe, đo điện tim, kết nối kết quả trực tuyến với bác sĩ…
3. Google từ mảng tìm kiếm phát triển hệ điều hành Android, rồi cung cấp bản đồ định vị, công nghệ cho xe tự hành… đến thâm nhập vào lĩnh vực sức khỏe.
Giới khởi nghiệp y tế vì vậy không thể hoạt động trong một môi trường chân không. Họ không thể đứng một mình, mà buộc phải ở trong một hệ sinh thái nào đó. Nếu không tự tạo ra một hệ sinh thái riêng, họ buộc phải nương nhờ một hệ sinh thái khác.
Hệ sinh thái là khái niệm về một hệ thống nhiều cấu phần, có thể tự dưỡng và phụ thuộc lẫn nhau, đặc biệt là khả năng tự đổi mới và sáng tạo. Nếu điểm nổi bật của hệ sinh thái kinh tế là vừa cạnh tranh vừa hợp tác thì điểm nổi bật của hệ sinh thái y tế là ở nhu cầu tình thương và sự chia sẻ. Vì vậy, hệ sinh thái trong y tế rất bền vững.
2. Nền tảng – điều kiện cần trong một hệ sinh thái điển hình
Thời điểm James F.Moore đưa ra khái niệm hệ sinh thái, internet chưa phát triển. Nhưng hệ sinh thái kinh doanh ngày nay có sự đóng góp lớn của internet và công nghệ. Hệ sinh thái nhờ đó được nhìn nhận toàn diện hơn. Đó là một cộng đồng đan xen giữa thế giới thực và thế giới mạng.
Sự kết nối của cộng đồng đã tạo ra các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng (platform) và nó chứng minh sự vượt trội hơn các chuỗi giá trị truyền thống. Mô hình này giống như một quả cầu đa phương, đa diện, giúp tăng hiệu quả và giảm chi phí. Từ đây, một hệ sinh thái nền tảng (platform ecosystem) ra đời. Điển hình là mô hình taxi công nghệ như Uber và Grab.
Nền tảng là yếu tố bắt buộc của một hệ sinh thái điển hình. Nếu một hệ sinh thái không có nền tảng sẽ phải nương nhờ nền tảng khác. Chẳng hạn, nhiều nhà cung cấp giải pháp đang phải dựa trên những nền tảng như Facebook, Google hay Zalo… Thực tế việc xây dựng một nền tảng riêng là không dễ dàng, nhất là đối với những công ty chưa có tiềm lực tài chính và đội ngũ nhân lực công nghệ cao.
3. Hệ sinh thái y tế cần gì?
Với ngành y tế, mỗi bệnh nhân là một khách hàng tiềm năng. Cả chiều dài cuộc đời của một người, có rất nhiều vấn đề ngành y tế có thể giải quyết. Từ y tế dự phòng, điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống đến theo dõi sức khỏe suốt đời. Bài toán ở đây là làm sao tập trung những khách hàng tiềm năng này vào một nền tảng. Nhiều startup y tế tại Việt Nam đang có khát vọng làm điều này. Sôi nổi nhất là các mảng: y học dự phòng, y học điều trị và y học gia đình.
Nhìn ở góc độ nếu chỉ quan tâm đến việc điều trị từng ca bệnh một cách truyền thống. Rất có khả năng khách hàng tiềm năng sẽ bị thu hút vào hệ thống khác. Thay đổi cơ bản nhất là phải dần sử dụng kênh trực tuyến song song với kênh truyền thống. Điều này đã trở thành yêu cầu bắt buộc nếu các cơ sở y tế không muốn mất khách hàng.
Thế giới đã có nhiều hệ sinh thái hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau, có cả y tế. Đơn cử như hệ sinh thái Mitsui của Nhật đã hoạt động gần 150 năm trước. Dựa trên nền tảng ban đầu là tài chính, Mitsui đã có hệ thống bệnh viện tư Colombia Asia trên nhiều nước châu Á, cả Việt Nam. Y khoa Hoàn Mỹ đã trở thành thành viên của tập đoàn Clermont. Đồng nghĩa với việc gia nhập vào một hệ sinh thái lớn, đa ngành và mang tính toàn cầu.
Một số hệ sinh thái, nền tảng y tế có thể kể đến tại Việt Nam như hệ sinh thái y dược Hồng Đức với bệnh viện Hồng Đức, trường cao đẳng Y dược Hồng Đức, nhà thuốc Dr.OH và công ty truyền thông One Health. Những tập đoàn khác ngành cũng mở rộng sang y dược. Một tập đoàn như Vingroup, Hoa Lâm, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động…
4. Hệ sinh thái y tế khởi nghiệp của Việt Nam đang ở đâu?
4.1 Thực trạng của một số hệ sinh thái y tế khởi nghiệp hiện nay
Thực tế các ứng dụng (app) kết nối đơn thuần không đủ để thuyết phục các bên tham gia. Các cơ sở y tế muốn bảo toàn dữ liệu khách hàng, thông tin y khoa, vấn đề tài chính… Hơn nữa, các cơ sở y tế lại có cấu trúc và vận hành đa dạng, chứ không đồng nhất. Không giống như những chiếc taxi hay phòng khách sạn. Do đó, khởi nghiệp y tế, cụ thể là công nghệ y tế (healthtech) hay y tế kỹ thuật số, cần phải xuất phát từ giá trị lõi trong y khoa chứ không phải chỉ từ những ứng dụng công nghệ đơn thuần.
Gần đây, giới khởi nghiệp y tế Việt Nam đã thật sự hiện thực hóa hệ sinh thái y tế. Chẳng hạn hệ sinh thái Ecomedic cho ra đời nền tảng Medlink được triển khai trong hệ thống nhà thuốc và các công ty dược. Ở phía Nam có hệ sinh thái đa chiều chăm sóc sức khỏe eMedCare kết nối bệnh nhân – bác sĩ, nhà thuốc, dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà, quản lý hồ sơ sức khỏe… Xu hướng tất yếu là các doanh nghiệp y tế muốn phát triển thì phải hình thành hệ sinh thái riêng hoặc gia nhập vào một hệ sinh thái lớn hơn.
Trong một hệ sinh thái, khách hàng không còn của riêng lẻ của ngành nào. Họ cũng không chỉ bị cuốn hút vào việc quản trị mối quan hệ khách hàng theo chủ ý của doanh nghiệp, họ đã liên kết ngẫu nhiên thành cộng đồng người dùng và đồng tạo giá trị với doanh nghiệp. Họ có tiếng nói mạnh mẽ, tích cực lẫn tiêu cực. Cộng đồng cũng là một thuộc tính quan trọng trong chăm sóc sức khỏe. Do đó, họ có sức ảnh hưởng sâu sắc trong hệ sinh thái y tế.
4.2 Lưu ý dành cho các startup hệ sinh thái y tế
Việc khởi nghiệp rồi mới tìm kiếm cộng đồng, hay khách hàng, là một quy trình phiêu lưu. Khi đó, startup không còn cách nào khác phải phụ thuộc vào những hệ sinh thái khác để phát triển. Vì vậy, các startup y tế cần sớm xây dựng cộng đồng và liên tục để cộng đồng lớn dần. Việc này có thể được thực hiện thông qua xây dựng và nuôi dưỡng các cộng đồng sức khỏe trên internet kết hợp với các chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo cách truyền thống. Đồng thời tạo ra sự gắn kết và lan tỏa từ chính các bệnh nhân, khách hàng… để họ trở thành những nhân tố tích cực trong phát triển cộng đồng…
Với giá trị y tế là trọng tâm, công nghệ là phương tiện thiết yếu, các nhà khởi nghiệp y tế với tầm nhìn của một hệ sinh thái và hiểu sâu sắc yếu tố cộng đồng mới có thể bắt kịp xu hướng và phát triển trong nền tảng sinh thái y tế từ vi mô đến vĩ mô, từ địa phương, quốc gia cho đến toàn cầu.
Hiện tại, chúng tôi đang triển khi hệ sinh thái y tế SUNS. Mục đích giúp kết nối cơ sở y tế – bác sĩ – bệnh nhân. Thông qua đó, SUNS mong muốn mang những công nghệ hiện đại trên thế giới vào nền y tế Việt Nam. Cùng đón chờ các dự án sắp tới của SUNS nhé!
Nguồn: BS.Phùng Thị Hồng Thắm, câu lạc bộ khởi nghiệp y khoa
____________________________
SUNS – Cung Cấp Giải Pháp 3 Trong 1 Dành Cho Phòng Khám
Hotline: 086.6440.869
Email: sales@suns.com.vn
Facebook: https://www.facebook.com/sunsofts
Youtube: https://bit.ly/2VOuIis
Địa chỉ: 56 Đinh Bộ Lĩnh, P.26, Q.Bình Thạnh, Tp.HCM