Điểm sáng 2020 trong chuyển đổi số y tế quốc gia
Hội nghị Chuyển đổi số y tế quốc gia 2020 – Ehealth Vietnam Summit được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, ngày 29 – 30/12/2020 do Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế đồng chủ trì. Chương trình nhằm tổng kết ngành Y tế Việt Nam năm 2020. Trong năm qua, chúng ta đã đạt mục tiêu kép: chống dịch COVID-19 và giữ được tăng trưởng kinh tế.
Điểm sáng 2020 trong chuyển đổi số y tế quốc gia
Trong phiên thảo luận về “Chuyển đổi số ngành Y tế: Điểm sáng Quốc gia 2020” diễn ra vào sáng nay tại Hà Nội, các Bộ trưởng đã trình bày về những kết quả đạt được và mục tiêu hướng tới của y tế quốc gia năm 2021. Cùng SUNS tìm hiểu về những chuyển đổi số y tế này nhé!
Kết quả đạt được trong việc chuyển đổi số y tế năm 2020 của Việt Nam
Trong năm 2020, ngành Y tế Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc. Các kết quả cụ thể như sau.
1. Các ứng dụng của công nghệ 4.0 trong chuyển đổi số y tế
Đối với công nghệ 4.0, việc chuyển đổi số y tế quốc gia đã đạt nhiều thành tựu. Việc ứng dụng internet kết nối vạn vật và dữ liệu lớn đã góp phần giúp ngành Y tế thực hiện tốt hơn. Đặc biệt là trong việc phân tích dữ liệu, dự đoán mô hình bệnh tật, góp phần đẩy mạnh hiệu quả trong điều trị bệnh. Qua đó, các Bộ trưởng cũng nhận định, y tế số phải dùng công nghệ số làm chính và trọng tâm là người bệnh. Chúng ta cần thay đổi mô hình, cách thức cung cấp dịch vụ y tế.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Bệnh nhân nay sẽ trở thành khách hàng, dữ liệu y tế vốn bị bỏ quên thì nay sẽ trở thành tài sản lớn nhất, tạo ra sự khác biệt lớn nhất trong chăm sóc sức khoẻ. Y tế vốn do Nhà nước đầu tư là chính thì nay sẽ có thêm nguồn lực là các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực y tế”. Bộ trưởng cũng cho biết thêm, riêng quý 3/2020, vốn đổ vào các start-up y tế đã gần 7 tỷ USD.
2. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong chuyển đổi y tế quốc gia
Các ứng dụng AI trong ngành Y tế năm 2020 có thể kể đến như:
– Ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, điều trị COVID-19.
– Quản lý cấp phép dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm (đang thực hiện và dự kiến ra mắt vào tháng 3/2021).
– Sử dụng robot trong phẫu thuật.
– Phát triển các ứng dụng hỗ trợ ra quyết định lâm sàng.
– Xây dựng công cụ tự chẩn đoán, sàng lọc dấu hiệu nguy cơ bệnh tật.
3. Xây dựng nền y tế thông minh
Các điểm cải thiện vượt bậc khi chuyển đổi số y tế quốc gia năm vừa qua gồm:
– Đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến.
– Điều trị ngoại trú không dùng giấy.
– Thanh toán không dùng tiền mặt.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế: “Bộ Y tế đang gấp rút xây dựng nền y tế thông minh, đẩy nhanh bệnh viện không giấy. Chúng tôi cho rằng, nhân viên y tế cần dành nhiều thời gian hơn cho khám chữa bệnh chứ không phải dành thời gian cho việc điền sổ sách, cho thủ tục, giấy tờ.”
Bộ trưởng nhấn mạnh thêm “Trong thời gian tới, ngành Y tế cam kết cắt giảm tiếp 30% thủ tục hành chính để tạo điều kiện tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp dù yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm 20%.”
4. Hồ sơ sức khỏe cá nhân
Việc tạo lập 98 triệu hồ sơ bệnh án điện tử tính đến năm 2020 là một nỗ lực đáng ghi nhận của toàn thể ngành Y tế Việt Nam. Nhờ có bệnh án điện tử, người dân có thể tự theo dõi tình trạng sức khỏe ngay tại nhà, ở bất cứ thời điểm nào.
5. Y tế cơ sở – V20
V20 chính là nền tảng quản lý thông tin y tế cơ sở. Trong năm 2020, Bộ Y tế đã đạt được những thành công trong chuyển đổi số y tế cơ sở. Ví dụ như:
– Từng bước xóa bỏ tình trạng hồ sơ giấy và nhiều phần mềm tại tuyến xã. Từ đó giúp phát triển đồng đều, cân bằng giữa các vùng miền và trên toàn hệ thống y tế.
– Bộ Y tế hiện cũng đang điều hành cùng lúc 10.600 trạm y tế xã trên toàn quốc.
– Mở rộng kết nối các chương trình y tế tại tuyến xã với nền tảng V20.
– Liên thông với các hệ thống y tế.
– Tăng cường chỉ đạo, điều hành hoạt động tuyến y tế xã.
– Mở rộng kết nối tất cả các cơ sở y tế, nâng cao chuyên môn tuyến cơ sở.
6. Sự phát triển của mạng y tế Việt Nam
Mạng y tế Việt Nam là mạng nội bộ ngành Y tế, giúp kết nối cán bộ y tế trên toàn quốc. Nhờ mạng lưới này, nhân viên y tế dễ dàng trao đổi chuyên môn, chia sẻ, tương tác trong chẩn đoán và điều trị. Mục tiêu mà Bộ Y tế đặt ra là 100% cán bộ y tế trên toàn quốc tham gia mạng kết nối y tế Việt Nam. Qua đó, có thể cùng nhau trao đổi, hỗ trợ phối hợp, nâng cao trình độ chuyên môn.
Bộ Y tế cũng yêu cầu các bệnh viện tuyến trên phải “kết bạn” với bệnh viện tuyến dưới, như vậy theo tính toán một bác sỹ tuyến trên phải kết bạn và hỗ trợ chuyên môn được cho 4 bác sỹ tuyến tỉnh, 4 bác sỹ tuyến huyện và 2 nhân viên y tế tuyến xã.
7. Khám chữa bệnh từ xa
Hiện Việt Nam đã kết nối trên 1.500 điểm cầu. Giúp hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn của nhân viên y tế. Ngoài ra, nhờ có chuyển đổi số y tế, năm 2020 số lượng người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao tại tuyến cơ sở cũng tăng lên đáng kể.
8. Công khai y tế
Một lĩnh vực quan trọng khác là công khai y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận lâu nay vẫn còn nhiều điều tiếng liên quan đến giá thuốc, giá trang thiết bị…Trên cơ sở đó, Bộ đã khai trương Cổng công khai y tế vào tháng 11 vừa qua, lần đầu tiên công khai tất cả dịch vụ ngành Y tế cung ứng cho người dân.
Trong năm 2020, Bộ Y tế đã công khai:
– 62.438 dược phẩm.
– 17.066 trang thiết bị, vật tư y tế.
– 93.253 kết quả đấu thầu.
– Trên 1.400 cơ sở y tế trong cả nước công khai giá dịch vụ.
Trong năm 2021, Bộ trưởng nhấn mạnh Bộ Y tế sẽ tiếp tục công khai giá bán lẻ, từng bước tạo ra môi trường lành mạnh đối với tất cả các đơn vị.
9. Phòng chống COVID-19
Những ghi nhận đáng khích lệ trong chuyển đổi số y tế, nhằm phòng chống dịch COVID tại Việt Nam trong năm qua bao gồm:
– Triển khai tờ khai y tế NCOV
– Phát triển thành công trong nhân dân ứng dụng truy vết Bluezone.
– Phát triển bản đồ an toàn COVID-19.
– Phát triển ứng dụng giám sát dịch bệnh, hệ thống cảnh báo dịch bệnh tự động.
10. Dịch vụ công và cắt giảm hồ sơ trong chuyển đổi số y tế
Dịch vụ công
– 100% TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Kết nối cổng thông tin dịch vụ công quốc gia.
– Bộ Y tế cũng là bộ đầu tiên hoàn thành và về đích trước thời hạn các yêu cầu mà Chính phủ đã giao đầu năm 2020.
Cắt giảm hồ sơ
Trong năm qua, Bộ Y tế đã điều hành điện tử hoạt động các cơ quan của Bộ Y tế. Qua đó, 100% các cơ quan đã xử lý bằng văn bản điện tử. Đồng thời, toàn bộ các cơ quan đã áp dụng chữ ký số khi làm việc.
Trong năm tới, Bộ cũng đặt mục tiêu sẽ tiếp tục cắt giảm hồ sơ, thủ tục hành chính. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Bộ cũng sẽ nâng cao chất lượng theo dõi, xử lý văn bản điện tử và tự động đánh giá hoàn thành nhiệm vụ.
Mục tiêu chuyển đổi số y tế năm 2021 của quốc gia
Có 2 nhiệm vụ chính của ngành Y tế trong năm 2021 mà Bộ trưởng đặt ra:
- Phục vụ người dân được tốt hơn
- Người dân tiếp cận dịch vụ y tế tiện ích hơn, thuận lợi hơn, chất lượng hơn.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, năm 2021 là một năm khó khăn không chỉ của Việt Nam mà trên toàn thế giới do ảnh hưởng của đại dịch COVID. Tuy nhiên, ông cho rằng “không đặt mục tiêu về số lượng mà hướng tới phục vụ người dân tốt hơn, tiếp cận dịch vụ tiện ích, chất lượng hơn.” – Đây cũng chính là mục tiêu quan trọng nhất trong năm 2021 tới đây. Hy vọng trong năm 2021 tới đây, Bộ Y tế sẽ hoàn thành đúng hạn các nhiệm vụ Chính phủ giao đúng theo mục tiêu mà Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long kỳ vọng.