Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cần ít nhất 30% trong năm 2020
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cần ít nhất 30% trong năm 2020
Trong Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ này mức 4 dưới 10%. Đây là con số đáng báo động.”
1. Tình hình dịch vụ công trực tuyến năm 2020
1.1 Ý kiến của các ban ngành có liên quan về dịch vụ công trực tuyến
Theo đại diện Bộ Y tế, đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam…
Một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý quan trọng (trong năm 2021, muộn nhất vào năm 2022) hỗ trợ cho việc triển khai các nền tảng chính phủ số cấp quốc gia và các bộ, địa phương được hiệu quả; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia.
1.2 Ý kiến của Thủ tướng chính phủ
Điểm sáng về dịch vụ công trực tuyến
Ghi nhận các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.
Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi… Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, bài học quan trọng là phát huy vai trò của người đứng đầu.
Các điểm cần khắc phục
Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện. Một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành. Ví dụ như bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử.
Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp. Nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ này mức 4 dưới 10%. Đây là con số đáng báo động. Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.
Tầm nhìn tại Việt Nam về dịch vụ công trực tuyến
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp ở mức độ 4. Ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp online mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.
Thủ tướng bày tỏ ấn tượng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới với doanh số rất cao. Ông cũng nhấn mạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp số, các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Ông yêu cầu “thể chế nào ràng buộc, các đồng chí cần báo cáo” để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Nguồn: https://moh.gov.vn/